top of page

Nộp đơn Tiến sĩ Kinh tế ở Mĩ

Năm nay mình hoàn thành việc nộp đơn học Tiến sĩ Kinh tế ở Mỹ, mình viết bài này để khái quát tổng quan quá trình nộp đơn, những thứ mình học được trong và sau quá trình nộp đơn. Về bản chất thì đây chủ yếu là một bài self-reflection là chính, tuy nhiên mình hi vọng bài viết sẽ có ích cho một số người. Dù vậy, mình nghĩ nên note là ngay cả các giáo sư trong cùng một khoa cũng đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau thậm chí đối lập nhau cho học sinh của mình, nên những thứ mình ghi lại ở đây không phải là một bộ quy tắc, và với các cá nhân khác nhau thì cần những adjustments khác nhau.


Trước hết, mình cho rằng nếu bạn muốn học Tiến sĩ ngành Kinh tế, hãy học ở Mĩ. Các trường Đại học và giáo sư ở Mĩ luôn đi đầu về việc cho ra những nghiên cứu cutting-edge nhất, và có impact nhất hơn bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, nộp đơn Tiến sĩ Kinh tế ở Mĩ rất khó, đòi hỏi một quá trình dài chuẩn bị và mức độ cạnh tranh rất, rất cao. Trước khi học tiếp bài của mình, mình recommend mọi người đọc bài viết sau: https://www.urch.com/forums/topic/153976-the-truth-about-top-10-admissions/.


Nói ngắn gọn, nếu bạn không học cử nhân ở một trường đại học elite, top-tier của Mĩ, bạn sẽ không có cơ hội vào một trường top 10 môn Kinh tế ở bậc Tiến sĩ thẳng từ bậc cử nhân. Mình học cử nhân ở Mĩ, và là một trong những sinh viên tốt nhất mà khoa Kinh tế trường mình đã đào tạo trong những năm qua. Mình không đủ giỏi để vào top 10, và thực tế là mình đã không được placed vào top 10. Vậy nên, những gì mình viết ở đây sẽ thiết thực với những người nhắm vào các trường tầm top 10-50, và gần như sẽ vô giá trị với những người nhắm vào các trường top 10.


1. Tổng quan


Nộp đơn Tiến sĩ về cơ bản cần: một bằng cử nhân 4 năm hoặc tương đương, bảng điểm, form điền background Toán và Kinh tế (với một số lớn trường), CV, điểm GRE, bài luận (Statement of Purposes - SoP), thư giới thiệu (Letters of Recommendation - LoRs), research experience/networking, writing sample, với một số trường thì bài luận về đa văn hoá (Statement of Diversity - SoD), và list các trường để nộp đơn. Trong số này thì LoRs là quan trọng nhất, kế đến là research experience/networking, đến background Toán, v.v.


2. Bằng cấp


Nếu bạn nộp Tiến sĩ ở Canada hay Châu Âu, gần như mọi trường sẽ đòi bằng Thạc sĩ. Tuy nhiên, ở Mĩ, các trường chỉ yêu cầu bằng cử nhân hoặc tương đương. Nếu bạn học cử nhân ở Mĩ, bạn không cần và không nên học Thạc sĩ. Tuy nhiên, nếu bằng cử nhân của bạn là ở Việt Nam hay thậm chí châu Âu, bạn nên học Thạc sĩ trước khi apply. Lí do là vì gần như 90% hoặc hơn những người có background như bạn đã có bằng Thạc sĩ khi apply. Khoảng tầm 20 năm trước đổ đi, phần lớn applicant chỉ nộp đơn với bằng cử nhân, tuy nhiên sau đó một số lượng lớn sinh viên quốc tế nhận ra mình ở vị thế bất lợi so với sinh viên học ở Mĩ, họ quyết định học Thạc sĩ để cải thiện hồ sơ. Do đó, dần dà việc sinh viên quốc tế có bằng Thạc sĩ đã trở thành norm. Bên cạnh đó, lí do thứ hai là các trường đào tạo cử nhân ở Mĩ dạy học sinh nghiên cứu và viết rất bài bản, nên phần lớn học sinh đã có introduction về nghiên cứu để học Tiến sĩ. Mặt khác, học cử nhân ở nơi khác, thậm chí với các bằng cử nhân 3 năm ở châu Âu, học sinh rất ít viết và do đó không biết viết, nên bằng Thạc sĩ là một cơ hội để expose với việc nghiên cứu. (Mình biết rất nhiều case của các bạn học châu Âu, rằng luận án Thạc sĩ là bài nghiên cứu đầu tiên họ từng viết trong đời).


Dù vậy, học Thạc sĩ Kinh tế ở Mĩ bị giới hạn về mặt học bổng và funding. Một số ít trường có funding mình có thể kể ra là


- New York University (full tuition)

- Tufts University

- Baylor University

- Montana State University (Applied Economics)

- University of Maine

- University of Minnesota, Twin Cities (Applied Economics)

- Chapman University (Behavioral & Computational Economics)


Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải học Thạc sĩ, mình nghĩ với ngành Kinh tế, nên học Thạc sĩ ở châu Âu, vì các trường này train sinh viên tốt hơn về mặt technical, có thư giới thiệu tốt hơn, cũng như network và placement tốt hơn (mình sẽ nói chi tiết sau). Tuy nhiên học bổng cũng cực kì cạnh tranh. Có thể kể ra:


- Barcelona Graduate School of Economics

- Paris School of Economics

- Toulouse School of Economics

- London School of Economics

- University of Bonn

- Sciences Po


Dù vậy, mình muốn chỉ ra rằng chỉ có 2 lí do để đi học Thạc sĩ: 1) Để củng cố hồ sơ khi background ở bậc cử nhân tương đối yếu, và 2) Để tìm kiếm thư giới thiệu tốt. Với những bạn có background tốt, thì việc học Thạc sĩ chỉ vì lí do thứ hai (hoặc để làm quen với việc học Kinh tế ở bậc cao học) là rất rủi ro và nhiều lúc không đáng. Lí do là vì 1) chương trình Thạc sĩ thường kéo dài 2 năm, và vào thời điểm nộp đơn thì thứ bạn thêm vào hồ sơ chỉ là bảng điểm năm 1, và với các chương trình 1 năm (như BGSE) thì bạn không thêm được gì cả; và 2) kể cả ở những chương trình Thạc sĩ hàng đầu và có placement rất tốt, bạn cũng phải cạnh tranh rất khốc liệt để trở thành một trong những người giỏi nhất cohort, để từ đó có thư giới thiệu chất lượng. Mình biết nhiều trường hợp mà việc học Thạc sĩ không những không củng cố mà còn làm hồ sơ yếu đi trước khi nộp PhD, vì 1) chương trình quá khó, dẫn tới điểm thấp và 2) khi không là một trong những sinh viên giỏi nhất, các giáo sư sẽ không quan tâm đến bạn và sẽ cho bạn một lá thư không có nhiều giá trị. Ironically, nếu bạn đủ khả năng để trở thành một trong những sinh viên giỏi nhất ở BGSE hay TSE, thì bạn cũng đã đủ khả năng để vào top 50 ở Mĩ rồi. Do đó, trừ khi mục đích cuối cùng là vào top 10, việc học Thạc sĩ ở những trường này phải được cân nhắc kĩ càng.


Các trường top ở Canada như University of British Columbia, Toronto hay University of Western Ontario cũng có các chương trình Thạc sĩ rất tốt, tuy nhiên mình không apply vào Canada nên kiến thức của mình về các trường ở đây khá hạn chế. Trong số này có Western là offer PhD-streamed MA program theo kiểu Mĩ, tức là admission vào chương trình Thạc sĩ sẽ được tuyển vào chương trình Tiến sĩ nếu vượt qua bài kiểm tra cuối năm nhất.


Một lựa chọn khác, thay vì học Thạc sĩ, là làm predoc, mình sẽ nói thêm ở dưới.


3. Background Toán và Kinh tế


Thứ nhất, bạn không cần học Kinh tế ở bậc cử nhân để nộp đơn. Bằng cử nhân của bạn có thể về Toán, Thống kê, thậm chí Vật lí hay Khoa học chính trị. Tuy nhiên, bạn cần có background căn bản về Kinh tế, bao gồm các lớp: Intermediate Micro, Intermediate Macro, Intro to Statistics, Econometrics 1, và Econometrics 2 nếu trường bạn offer. Ngoài các lớp kinh tế trên, các lớp kinh tế electives khác gần như không có giá trị. Tuy nhiên, nếu bạn học cử nhân ngành Kinh tế, hãy học các lớp electives nặng về theory hơn, như Industrial Organization, Resources Economics, International Economics, v.v. vì những lớp này sẽ signal economic intuition của bạn tốt hơn là những lớp như Economics of Gender hay Economics of Inequality. Dù vậy, lợi ích của việc này là gần như không đáng kể. Sau 5 lớp mình kể trên, gần như chắc chắn là hội đồng tuyển sinh (adcom) sẽ không quan tâm nhiều đến background Kinh tế của bạn nữa.


Thứ hai, bạn cần có một background tốt ở Toán. Nếu được, lí tưởng nhất là bạn nên học double major 2 ngành Kinh tế và Toán. Về cơ bản, bạn nên (phải) có: Linear Algebra, Multivariable Calculus, Real Analysis, Mathematical Statistics (nếu bạn không có Econometrics 2), và Differential Equations (ODE, PDE nếu được, trong trường hợp bạn muốn làm research ở Macro). Ở những lớp Toán này, bạn nên được A/A-, và không có lớp nào dưới B. Nếu bạn được A tất cả các lớp trên, những lớp toán còn lại chỉ có ý nghĩa về mặt signalling, tức là bạn học càng nhiều thì càng dễ signal là bạn thông minh và giỏi về mặt technical, nhưng adcom sẽ không quan tâm bạn học lớp toán nào và được bao nhiêu điểm. Nếu bạn không may bị điểm thấp ở một hoặc vài môn ở trên, hãy học một lớp cao hơn và được A ở lớp đó. Ví dụ, nếu bạn bị B/C ở Calculus 2, hãy được A ở Multivariable Calculus; nếu bị B/C ở ODE, hãy take PDE và được A; nếu bị B/C ở Real Analysis, hãy take Functional Analysis/Topology và được A.


Mình nhấn mạnh lại là dù càng nhiều toán càng tốt về mặt signalling, sau khi bạn đã fulfill được 5 môn ở trên với điểm A, các môn còn lại không thực sự quan trọng. Mình đã biết một vài cases mà dù họ đã học các lớp Analysis/Topology rất cao ở bậc Thạc sĩ, vẫn rớt Tiến sĩ Kinh tế như thường. Toán là công cụ, không phải là tất cả. Việc tuyển sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế nhắm đến các ứng viên: 1) có khả năng vượt qua được bài kiểm tra toàn diện (prelims) ở cuối năm nhất, và 2) biết nghiên cứu Kinh tế, trong đó bao gồm xây dựng các mô hình. 5 môn toán ở trên đã là điều kiện cần và đủ để bạn signal cả 2 yếu tố trên.

Một điểm khác cần nhấn mạnh là quy trình tuyển sinh thường có 2 bước: 1) sàng lọc qua với điểm GPA/GRE và background toán, và bước này thường được thực hiện bởi các nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường, và 2) đánh giá toàn diện hồ sơ bởi các giáo sư ở adcom. Background Toán sẽ được đánh mạnh ở bước đầu, và ít hơn ở bước thứ 2. Điều đó có ý nghĩa là bạn phải bảo đảm là background của bạn đủ tốt để không bị vất ra ở bước 1 (các nghiên cứu sinh không rảnh và cũng không hứng thú lắm với các thành phần khác trong bộ hồ sơ của bạn). Cách gần như là duy nhất để bạn vượt qua bước này mà không có đủ Toán là có một thư giới thiệu thật mạnh với người viết thư có tầm ảnh hưởng, mình sẽ discuss ở dưới.


4. GPA, GRE và CV


Nói ngắn gọn, GPA và GRE chỉ mang tính thủ tục để sàng lọc hồ sơ ở bước 1. Điều đó có nghĩa là nếu GPA và GRE của bạn không quá tệ (trên điểm cut-off), adcom sẽ không quan tâm đến các yếu tố này nữa. Chủ quan thì mình thấy điểm cut-off của GPA ở mức 3.4-3.6, còn GRE là khoảng 165-167 với phần quantitative. Phần verbal của GRE không có ý nghĩa cho ngành Kinh tế, tức là chỉ cần bạn không sai sạch và có điểm chấp nhận được (khoảng 148-150). Phần writing của GRE chỉ cần được từ 3 trở lên.


Tuyệt đối không dành quá 2 tháng chuẩn bị cho GRE. Với những bạn có background tiếng Anh tốt, chỉ cần lướt qua khoảng 30 ngày là quá đủ để thi. Again, GRE/GPA chỉ mang tính thủ tục, điểm GPA 4.0 và GRE 170-170 không có nhiều ý nghĩa. Xa hơn, gần đây trong thời gian COVID, các trường đang dần nghi ngờ về giá trị của các kì thi chuẩn hoá, và càng ngày càng nhiều trường đang thử nghiệm bỏ yêu cầu GRE. Với GPA, các trường rank càng thấp thì sẽ càng đánh mạnh vào GPA và ngược lại. GPA không quá quan trọng vì thực tế là ở Mĩ lạm phát điểm rất cao, nên adcom buộc phải discount GPA.


Với CV, mình chỉ note là hãy nộp CV dạng academic thay vì industry. Các bạn có thể google để thấy sự khác biệt giữa 2 loại.


5. LoRs


Đây là phân quan trọng nhất trong việc nộp hồ sơ Tiến sĩ ngành Kinh tế. Trong khi các ngành khác có thể đặt nhiều sức nặng khác nhau cho thư giới thiệu, ngành kinh tế xem thư giới thiệu là một trong các yếu tố quyết định. Lí do là vì ngành Kinh tế có xu hướng thu hút học sinh giỏi từ nhiều nhóm ngành khác nhau, nên ở những yếu tố lượng hoá được như GPA, các hồ sơ có mức tương đồng nếu không muốn nói là homogeneity rất cao. LoRs là công cụ để differentiate và phân loại ứng viên trong thời đại của asymmetric information. Quan trọng hơn hết, ngành kinh tế là ngành có tính hierarchical nhất.


Again, mục đích của việc tuyển sinh Tiến sĩ là để lựa chọn các nghiên cứu sinh có tiềm năng làm nghiên cứu kinh tế. Điều đó có nghĩa là một bức thư tốt phải nói lên được tiềm năng của bạn để trở thành một nhà kinh tế. Do đó, LoRs nên được viết bởi professional economists - những người có kinh nghiệm nghiên cứu và xuất bản trong lĩnh vực kinh tế. Thư từ giáo sư ngành khác thường không có giá trị bằng. Thư của giáo sư Toán có thể có giá trị để khẳng định bạn sẽ vượt qua kì thi prelims nhưng ít có giá trị ở khía cạnh nói về khả năng nghiên cứu kinh tế của bạn.


Với hầu hết các trường, thì yêu cầu sẽ có 3 thư giới thiệu thừ 3 giáo sư khác nhau. Việc chọn giáo sư để viết thư cực kì quan trọng. Theo mình được biết, thì chỉ cần 2/3 thư này tốt và thư còn lại chấp nhận được. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ chắc chắn có trong tay 2 thư tốt, thư cuối cùng không quá quan trọng. Mặt khác, nếu bạn không chắc chắn rằng sẽ có ít nhất 2 lá thư xuất sắc, bạn phải bảo đảm cả 3 lá thư đều ở mức tương đối tốt. Với những bạn sẽ bảo đảm được 2 lá thư tốt, lá thư cuối có thể xin từ giáo sư toán hoặc một giáo sư ở khoa khác nếu không tìm được 3 giáo sư kinh tế.


Một lá thư tốt thường phải cover được các điều dưới đây:


- Khả năng nghiên cứu kinh tế của bạn

- Tiềm năng thành công của bạn ở một chương trình Tiến sĩ Kinh tế

- Thực lực của bạn khi so sánh với các ứng viên khác, hoặc các cựu nghiên cứu sinh khác

- Độ phù hợp của bạn với chương trình mà bạn đang apply


Điều này hàm ý rằng:


- Để có một lá thư tốt, đòi hỏi phải có nhiều thời gian làm việc cùng để xây dựng mối quan hệ với các giáo sư. Nếu bạn xin thư từ một giáo sư mà bạn chỉ được A trong lớp của thầy/cô đó, họ sẽ không có nhiều tư liệu để viết về bạn. Các giáo sư tiềm năng để xin thư giới thiệu thường là các giáo sư mà bạn đã làm trợ lí nghiên cứu (RA) cho họ, hoặc các giáo sư supervise research projects của bạn.


- Chất lượng của lá thư sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của trường của bạn khi place học sinh vào các chương trình Tiến sĩ trong quá khứ. Vì lá thư phải so sánh thực lực của bạn khi với các ứng viên khác, các giáo sư thường sẽ so sánh bạn với các cựu học sinh khác, những người đã đi học PhD Kinh tế, hoặc là so sánh bạn với mặt bằng chung của các nghiên cứu sinh Kinh tế khác, thường là bằng tên. Bạn sẽ phải cố gắng để được giáo sư của bạn đánh giá bạn cao hơn những người khác.


- Ví dụ: "X là một học sinh giỏi của trường Y, luôn được điểm A trong lớp và làm việc có trách nhiệm" là dấu hiệu của một lá thư tệ, trong khi một lá thư tốt sẽ bao gồm những câu như "X có tiềm năng để thành công như Y, và kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng X xuất sắc hơn cả Z, người đã được placed vào trường T và đang thành công ở đây".


Một lưu ý quan trọng: tuyệt đối không xin thư từ những người chưa có bằng Tiến sĩ, bất kể họ có tầm ảnh hưởng hay không hay có đang active trong nghiên cứu hay không. Như mình đã chỉ ra, một trong những chức năng của thư giới thiệu là để đánh giá sinh viên có trụ nổi sự khắc nghiệt khi học Tiến sĩ hay không. Những người chưa hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ thì sẽ không có đủ hiểu biết và thẩm quyền để đánh giá khía cạnh này. Nếu may mắn thì thư của họ không có nhiều trọng lượng, còn nếu xui rủi thì hội đồng tuyển sinh sẽ vất cả thư lẫn hồ sơ của bạn đi.


6. Research experience & networking


Bên cạnh chất lượng của lá thư, thì danh tiếng người viết thư cho bạn cũng là yếu tố quan trọng. Vì mục đích của lá thư là để nói về khả năng nghiên cứu của bạn, thì thư từ giáo sư càng nổi tiếng và active trong nghiên cứu càng giá trị. Vì thế, thư của các giáo sư trường top thường có sức nặng hơn rất nhiều so với các trường ở nhóm dưới. Một trong những cách để có thư từ các giáo sư hàng đầu là đi làm RA full-time từ 2 đến 3 năm, thông qua các chương trình predoc ở các đại học top, hoặc RA cho các top economists ở World Bank, Fed, hay IMF.


Mục đích của việc đi làm predoc, WB, Fed hay IMF không phải là để lấy research experience. Cái đó chỉ là phụ. Mục đích chính là để lấy thư. Tuy nhiên, gần đây các trường đại học đang bắt đầu nhận ra xu hướng sản xuất LoRs hàng loạt từ các chương trình predoc này, nên nếu bạn muốn có một lá thư tốt từ predoc, bạn cũng phải cạnh tranh rất khốc liệt với các RA khác. Nhiều lúc, một lá thư làng nhàng từ một nhà kinh tế hàng đầu không bằng một lá thư xuất sắc từ một nhà kinh tế không nổi tiếng. Lấy ví dụ: bạn có 1 lá thư từ Andrei Schleifer, và lá thư chỉ đơn giản là: "This guy is good". Điều này sẽ được hội đồng tuyển sinh hiểu là 1) ứng viên này không làm gì cả để gây ấn tượng với Schleifer, và do đó là một ứng viên tệ, và 2) mặc dù trong hồ sơ có nhiều điểm ấn tượng, nhưng vì một người tầm cỡ như Schleifer đánh giá ứng viên này quá tầm thường, nên cậu này chắc chắn là một người tầm thường. Một lá thư kiểu này sẽ đóng hết mọi cơ hội được nhận của bạn.


Nếu không đi làm predoc, thì việc làm RA ở trường bạn đang học cũng đóng vai trò rất lớn vì nó sẽ quyết định chất lượng lá thư của bạn. Ngoài ra, việc làm RA cũng giúp bạn giới hạn được các fields mình muốn làm khi học Tiến sĩ, từ đó giúp chọn ra các trường/giáo sư hợp với mình hơn, nâng cao chất lượng SoP và cơ hội được nhận hơn.


Vì tính hierarchical của mình, networking trong ngành kinh tế cũng cực kì quan trọng. Thông thường, network trong tuyển sinh Tiến sĩ Kinh tế sẽ tới từ 2 kênh: a) network của các giáo sư viết thư cho bạn với các giáo sư ở các chương trình PhD mà bạn apply và b) network tới từ placement của trường bạn vào các chương trình PhD trong quá khứ. Các giáo sư viết thư cho bạn sẽ biết được các trường trong network này muốn gì để từ đó xây dựng hồ sơ của bạn theo hướng hợp lí nhất. Nhiều lúc, các giáo sư sẽ liên lạc thẳng với network của mình để signal việc bạn apply. Điều này không có nghĩa là nếu bạn có network bạn sẽ được nhận, nhưng ít nhất là a) lá thư từ giáo sư của bạn sẽ có sức nặng hơn, b) lá thư của bạn sẽ nói rõ hơn độ fit của bạn với trường và c) bảo đảm rằng application của bạn sẽ được đọc thay vì là bị lọc ra từ vòng gửi xe, đặc biệt là khi bạn có yếu điểm ở một vài yếu tố như background Toán. Bạn cũng có thể tự xây dựng network của mình với việc đi conferences, v.v. Networking không nhất thiết là với mỗi mình giáo sư, việc xây dựng network với các nghiên cứu sinh khác cũng sẽ cho bạn nhiều thông tin quan trọng từ họ trong quá trình apply.


Cái để take-away ở đây là hãy tập trung apply vào những trường giáo sư của bạn có network mạnh, hoặc những chương trình mà trường của bạn đã gửi học sinh đến trong quá khứ. Với việc lựa chọn chương trình Thạc sĩ (nếu cần), hãy chọn những chương trình Thạc sĩ có placement record tốt nhất, hoặc network tốt nhất.


7. SoP


SoP là một thứ khá gây tranh cãi. Một vài trường xem SoP quan trọng chỉ sau LoRs, trong khi một vài trường khác không quan tâm lắm tới SoP. Tuy nhiên, một DGS từng nói rằng adcom có đủ khả năng để đánh giá một bài luận có thực chất hay không, tức là có thực sự nhắm đến trường đang apply hay không. Do đó, dù lợi ích của việc đầu tư SoP là không quá nhiều, rủi ro khi viết một bài SoP tệ là rất lớn.


Một bài SoP thường sẽ được viết theo 1 trong 2 hướng: a) xoay quanh bản thân, research interest cũng như research experience của bạn, hoặc b) interest của bạn tới một vài giáo sư cụ thể trong faculty, độ fit của bạn với những giáo sư này hoặc độ fit của bạn với chương trình nói chung. Viết theo hướng đầu có lợi thể là sẽ dùng 1 bài cho tất cả các trường được, trong khi viết bài theo hướng sau sẽ mất thời gian hơn để tailor nhiều SoP cho nhiều trường khác nhau. Mình đánh giá rằng cách viết theo hướng b) sẽ có lợi hơn, tuy nhiên nếu không có interest thực sự và nộp hồ sơ kiểu rải đơn, hãy viết theo hướng a). Một generic SoP sẽ tốt hơn nhiều một SoP với artificial interest.


8. Chọn trường


Như đã chỉ ra ở trên, một chiến thuật cơ bản là hãy tập trung apply vào những trường giáo sư của bạn có network mạnh, hoặc những chương trình mà trường của bạn đã gửi học sinh đến trong quá khứ. Bên cạnh đó, hãy target các trường theo 2 tiêu chí: a) thực lực của bạn sẽ hợp với trường ở mức rank nào và b) research interest của bạn hợp với trường nào nhất.


Có 2 hệ thống ranking chính của ngành Kinh tế là:



Cả hai hệ thống ranking này đều không hoàn hảo. Ví dụ, Repec chỉ xếp rank theo publication record của các giáo sư, chứ không cân nhắc việc 1 program có chất lượng training (care for students, workload, market placement, v.v.) tốt hay không; US News thì take cả những yếu tố phi chuyên môn (school reputation) vào ranking. Nên khi lựa chọn trường theo rank, hãy tham chiếu cả hai.


Khi apply, sự khác biệt thực sự nằm ở top 10 với top 50. Điều đó có nghĩa là việc bạn vào các trường khác nhau trong top 50 không quá khác với việc bạn được place vào một trường top 10. Trong khi placement vào top 10 là gần như bất khả thi, tất cả các trường còn lại trong top 50 đều có chance tương đối là như nhau. Tuy nhiên, một yếu tố khác là ranking trong fields (https://ideas.repec.org/top/, mục top institutions by fields). Có thể một trường trong rank tổng sẽ không cao nhưng sẽ mạnh ở một vài fields cụ thể, ví dụ Northwestern mạnh Economic History, Michigan State và Iowa State mạnh Agricultural Economics, Minnesota những năm trước dẫn đầu về Macro, Chapman và Caltech mạnh Experimental, hay UCSB mạnh Environmental/Resources, v.v. Khi vào fields, khác biệt lớn nằm ở top 5 field và phần còn lại. Ví dụ, bạn gần như sẽ không thể có việc sau khi tốt nghiệp PhD nếu làm Micro Theory ở ngoài top 5 Micro.


Lời khuyên của mình là apply trong top 50 và focus vào những trường mạnh research interest của mình nhất.


Một lưu ý quan trọng khi chọn trường nữa là bạn nên tìm hiểu liệu một trường có cap số lượng sinh viên tối đa được qua bài kiểm tra prelims cuối năm nhất hay không. Một số trường, điển hình là UChicago, có giới hạn phần trăm số lượng bài đỗ (và do đó số lượng bài trượt). Điều đó có nghĩa là ở các chương trình này, bất kể bạn có giỏi và làm tốt như thế nào ở bài prelims, sẽ luôn luôn có xác suất là bạn sẽ bị đuổi về nước sau năm nhất.


Ngoài các program kinh tế truyền thống, bạn có thể apply vào các program khác ở các khoa Kinh tế Ứng dụng (Ag & Applied Econ), trường kinh doanh (Business School), thậm chí là các Public Policy program ở các trường top chính sách công như Harvard Kennedy hay Political Economy của Harris School. Một vài người sẽ bất đồng với mình ở đây, tuy nhiên một sự thật rõ ràng là một số lớn nghiên cứu sinh Public Policy ở các trường như Harvard Kennedy có placement ở các khoa Kinh tế và publication record tốt gấp nhiều lần một số khác tốt nghiệp từ các khoa Kinh tế truyền thống.


Một lưu ý quan trọng là sẽ có rất nhiều noise trong quá trình tuyển sinh. Đã có những case rớt sạch tất cả các trường top 50 và chỉ đậu mỗi MIT, và cũng đã có những case đi làm RA 3 năm, có thư từ top economists rồi cũng chỉ được placed vào top 50. Do đó, nếu tài chính không phải là vấn đề, hãy nộp càng nhiều trường càng tốt. Lí tưởng sẽ là 20-30 trường. Hãy focus trong nhóm này khoảng 5-8 trường, và hãy rải đơn đám còn lại, vì luôn có non-zero chance bạn sẽ là outlier ở những trường này.


Một mặt, bạn luôn có non-zero chance được nhận ở các trường top 50, mặt khác, bạn cũng luôn có non-zero chance bị reject ở các trường này. There is no safe school. Các trường bạn focus vào thường sẽ cho bạn xác suất cao hơn các trường khác, nhưng không có gì là tuyệt đối, vì bản chất của admissions là giống như đổ xúc xắc. Bạn gamble vào 20-30 trường, chỉ cần 1 và chỉ 1 trường trong số này nhận, và như thế là đủ.


9. Misc


a) Một vài link hữu ích khác:



Anh Nguyễn Đức Hiếu (Washington University at St. Louis) cũng viết một bài rất chi tiết bằng tiếng Việt: https://hieuphay.com/econ-phd/. Anh Hiếu là người nộp đơn với bằng cử nhân Việt Nam, cũng như chưa qua chương trình Thạc sĩ nào. Do đó, kinh nghiệm của anh Hiếu sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên nộp từ Việt Nam.


b) Không đọc Econ Job Rumors. Tuyệt đối không. Đây là môi trường toxic và phi hợp tác nhất mình từng thấy. Các anh/chị nghiên cứu sinh người Việt Nam khác cũng sẽ đồng ý với mình. Các trang khác như Urch, hay thỉnh thoảng là GradCafe sẽ có suggestions hữu ích hơn.


c) Khởi động application càng sớm càng tốt. Chốt list trường càng sớm càng tốt. Đi network càng sớm càng tốt. Đặc biệt, mạng lưới nghiên cứu sinh và Kinh tế gia ở Việt Nam rất nhỏ, nên gần như ai cũng biết nhau. Hãy đi network từ sớm để xin kinh nghiệm từ những anh chị khác hoặc alum của trường mình. Những kinh nghiệm này là vô giá khi nộp đơn hay khi vào interview.


d) Không picky. Take offer tốt nhất mà bạn có trong tay. Sau COVID, việc tuyển sinh PhD cho ngành kinh tế trở nên khắc nghiệt hơn rất, rất nhiều. Đã có những trường hợp bỏ vài offers để cải thiện hồ sơ nhằm vào các trường cao hơn, và lúc apply lại thì lại rớt các trường ngày trước cho mình offer.


e) Bất kể bạn có tự tin thế nào về năng lực của mình, sẽ luôn có một vài người khác giỏi hơn bạn. Nộp đơn Tiến sĩ Kinh tế là cuộc chơi có mức độ cạnh tranh cao nhất trong academia, nơi nhân tài của cả thế giới đổ về để giành nhau 15-18 spots trong mỗi trường. Keep your head on the ground.

Comments


bottom of page